ĐEO KHẨU TRANG HAY NĂNG RỬA TAY?

ĐEO KHẨU TRANG HAY NĂNG RỬA TAY?

1/ Mỹ, Singapore, Úc và Đài Loan cho rằng người nào khỏe thì không cần đeo khẩu trang. Còn ở TQ thì mọi nỗ lực đều nhằm chống dịch Corona và cố gắng lớn nhất là sản xuất đủ khẩu trang.

Nhà máy trên khắp Trung Quốc đang chạy đua sản xuất khẩu trang vì.nhu cầu tăng mạnh. Công nhân các nhà máy đang phải làm việc đến mệt mỏi. Một công nhân nói: “Mỗi ca tôi phải làm 25,000 cái. Mệt lắm, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác mỗi khi xảy ra dịch bệnh”

Theo Bộ Kỹ Nghệ và Công Nghệ Thông Tin Trung Quốc, hiện nay, nước này làm ra hơn tám triệu khẩu trang một ngày. Mùa Tết, con số này chỉ đạt 40% sản lượng hằng ngày bình thường của Trung Quốc là 20 triệu cái. Theo chủ tịch Hội Dệt May Trung Quốc, đến cuối Tháng Hai, khi các dây chuyền mới được sử dụng, số khẩu trang sản xuất có thể đạt đến 180 triệu cái một ngày.

Công nhân của 27 nhà máy ở tỉnh Hồ Nam cũng đã trở lại làm việc hôm Thứ Tư để sản xuất thiết bị bảo hộ phòng ngừa dịch bệnh. Theo các giới chức Hồ Nam, tỉnh này có thể sản xuất đến 462,000 khẩu trang một ngày.

2/Tổ Chức Y Tế Thế Giới không nhắc gì đến việc đeo khẩu trang để phòng ngừa virus Corona. Nhưng website của họ cũng không khuyên là không nên đeo.

Tuy nhiên, hiện đang có nhiều thông tin trái ngược nhau về việc có nên đeo khẩu trang hay không.

Tờ báo chính của Singapore ra Thứ Sáu, 31 Tháng Giêng, khuyên người dân không nên đeo nếu khỏe. Úc và Đài Loan cũng cho rằng người nào khỏe thì không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, Úc cũng đã mở kho dự trữ y tế quốc gia để lấy ra một triệu cái khẩu trang. Còn Đài Loan thì cấm xuất cảng khẩu trang. Riêng cơ quan đường sắt Đài Loan thì loan báo nếu virus vẫn lây lan, họ sẽ không cho hành khách lên tàu nếu không đeo khẩu trang.

Ở Ấn Độ thì có lời khuyên khá kỳ lạ. Chính phủ nước này đề nghị dùng món nước pha chế truyền thống, trong đó có gừng và rau húng, để phòng bệnh.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức, các cuộc nghiên cứu từ xưa đến nay cho thấy đeo khẩu trang có thể giúp phòng ngừa những bệnh thông thường như cảm cúm.

3/Theo tài liệu mà biên tập viên về sức khỏe Phan Kim Sơn của “Thế giới hội nhập” cung cấp, có nhiều dẫn chứng sau:

Một khảo sát của đại học New South Wales (Úc) năm 2016 cho thấy cứ mỗi giờ người ta chạm tay vào mặt 23 lần. Thời bình thường có lẽ không sao, nhưng thời dịch bệnh hoành hành, thói quen này thật nguy hiểm. Jonathan Ball, giáo sư ngành virus học phân tử của đại học Nottingham (Anh) chia sẻ: “Trong một khảo sát chỉnh chu tại một bệnh viện, người ta thấy đeo khẩu trang tại bệnh viện có hiệu quả trong phòng ngừa nhiễm cúm không khác gì mặt nạ phòng hơi độc”. Nhưng giáo sư Ball nói thêm: “Khi qua các nghiên cứu về lợi ích đeo khẩu trang của dân chúng ngoài bệnh viện, số liệu lại ít thuyết phục, chưa kể là khá thách thức để đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài”.

TS David Carrington của đại học London (Anh) nói với BBC News: “Đeo khẩu trang y tế không giúp công chúng bảo vệ hiệu quả chống lại virus hay vi khuẩn lan truyền trong không khí vì chúng quá lỏng, không có bộ lọc khí và không che chắn mắt”.

TS Connor Bamford, viện Y học thực nghiệm Wellcome-Wolfson của đại học Belfast (Bắc Ireland) nói: “Áp dụng những biện pháp vệ sinh đơn giản xem ra hiệu quả hơn nhiều. Che miệng trong khi hắt hơi, rửa tay và không đưa tay lên mặt trước khi rửa sạch có thể hạn chế nguy cơ nhiễm bất kỳ virus hô hấp nào”.

Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ CDC không khuyên đeo khẩu trang trong bảng hướng dẫn cơ bản nhưng đã khuyến cáo bất cứ ai được xác nhận hoặc bị nghi ngờ nhiễm virus Corona nên đeo khẩu trang khi có mặt người khác.

Theo ông Robert Amler, hiệu trưởng Đại Học Y Khoa New York, khẩu trang không phải dùng để bảo vệ người đeo, mà là bảo vệ người khác trước những dịch cơ thể từ người đeo văng ra.

Tóm lại, để phòng ngừa những loại virus như chủng corona mới hay cúm, theo CDC và các chuyên gia sức khỏe, cách tốt nhất vẫn là rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay lên mắt và mũi, cách xa những người có bệnh và duy trì lối sống lành mạnh.

Một ghi chú quan trọng mà còn ít người biết: khẩu trang không phải dùng để bảo vệ người đeo, mà là bảo vệ người khác trước những dịch cơ thể từ người đeo văng ra.